Công giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ XVI, qua quá trình lâu dài và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đã có số lượng cơ sở thờ tự khá nhiều và đồ sộ.
Do đặc điểm lịch sử truyền giáo, hình thức kiến trúc nhà thờ công giáo bắc bộ chịu nhiều ảnh hưởng của các phong cách kiến trúc Châu âu đã phát triển trước đó: Gothich, Roman, Phục hưng, Barocque.
Tuy là loại hình kiến trúc du nhập nhưng cũng như các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, kiến trúc nhà thờ đã có sự thích ứng, hòa hợp với văn hóa và kiến trúc cổ truyền Việt Nam từ tổ chức quy hoạch tổng thể, hình thức kiến trúc, giải pháp kết cấu, trang trí mỹ thuật và sử dụng vật liệu. Sự vận dụng sáng tạo này trong xây dựng nhà thờ công giáo đã tạo nên những công trình kiến trúc thể hiện sự kết hợp Âu – Á độc đáo. Nổi bật của sự kết hợp này chính là loại hình công trình nhà thờ vận dụng kết cấu chính là bộ khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói với hình thức mặt đứng và trang trí theo thức Châu âu.
Kiến trúc nhà thờ khác biệt dễ nhận diện trong tổng thể kiến trúc và tương tự như đình chùa là gần gũi, gắn bó với làng xóm và người dân Việt Nam, hòa hợp với cảnh sắc chung của địa phương. Công trình không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc có giá trị, một số tiêu biểu còn gắn liền với địa danh khu vực. Nhà thờ với nhiều phong cách kiến trúc giữa trong và ngoài nước tạo bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc, nhưng vẫn mang đặc trưng riêng biệt của kiến trúc nhà thờ công giáo Việt Nam, và đặc biệt là thành phần đóng góp tích cực trong công tác tạo lập bản sắc kiến trúc dân tộc.